Kinh Nghiệm Leo núi - Dã ngoại

Diễn đàn Trái Tim Yên Bái

Tài khoản Quênmật khẩu
Đăng ký
Thread
Từ khóa: Hot GirlDownloadDiscuzYen BaiDu lich
Ken nhắn với » Tất cả thành viên
gửi vào lúc Mon Apr 15, 2013 11:01 am ...
: chuc vui ve
Bài Mới.Người Gửi Cuối
Top Viết Bài

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Kinh  Nghiệm Leo núi - Dã ngoại Empty Kinh Nghiệm Leo núi - Dã ngoại Wed Jan 04, 2012 9:46 am

hthanhdung


Binh Bét
Binh Bét
Kinh nghiệm leo núi
Nước
Lượng nước uống dùng cho một ngày leo núi khoảng 1,5-2 lít. Nếu cẩn thận bạn nên cho thêm một ít muối và đường gluco vào nước. Cách uống nước rất quan trọng. Khi mồ hôi ra nhiều, ta sẽ có nhu cầu uống nước thường xuyên. Nên uống theo kiểu nhấp từng ngụm nhỏ, cho nước từ từ chảy xuống họng. Để có thể uống liên tục mà vẫn đi, nên treo chai nước ngay trước ngực. Nếu có vòi hút thì tiện nhất, không thì đục một lỗ nhỏ, bóp đáy chai cho nước chảy vào miệng.

Thông tin liên lạc
Bạn có thể sử dụng điện thoại di động ở rất nhiều nơi, nhưng vẫn có những nơi không có sóng. Sau đây là những giải pháp ở những nơi ngoài vùng phủ sóng khi leo núi:
* Quy định trước cách thức liên lạc.
* Quy định các điểm dừng chờ nhau, nếu đã có sơ đồ đi.
* Quy định các đôi đi với nhau.
* Phương tiện hỗ trợ: còi, đèn, pháo bông, đánh dấu đường...
* Quy định trước tín hiệu khẩn cấp.

Máy ảnh và chụp ảnh
Các bức ảnh đẹp về chuyến đi là vô cùng quan trọng với chúng ta. Có một vấn đề bạn phải lựa chọn là máy ảnh tốt nặng xấp xỉ 1kg, còn máy nhẹ thì không cho những bức ảnh đẹp. Trong rất nhiều trường hợp, độ ẩm quá cao có thể làm hỏng máy ảnh của bạn. Chỗ để máy tốt nhất là treo trước ngực. Khi cần bạn cho luôn máy vào sát ngực để sưởi khô. Nếu cẩn thận, bạn nên có thêm một dây bảo hiểm nhỏ, hai đầu có hai móc có lẫy nối máy và móc vào ngực.

Vắt và chống vắt
Vắt luôn là nỗi khó chịu của người leo núi. Vắt có loài ở mặt đất và loài trên cây. Khi bám vào da, vắt sẽ tiêm vào chỗ cắn chất chống đông máu. Cho dù bạn bắt nó ra thì chỗ cắn vẫn chảy máu một lúc. Thường mọi người buộc túm ống quần hoặc đi giày cao cổ để chống vắt bám, nhưng vắt vẫn có thể chui vào trong. Nên dùng bình xịt muỗi xịt vào mọi nơi trên quần áo, mũ, balô... Nhưng nếu đi lâu (trên ba giờ) ở khu vực có vắt, tác dụng của thuốc sẽ giảm và phải xịt bổ sung. Có một cách khác dân đi rừng hay dùng là bôi thuốc chống côn trùng vào chân tay.
(Nguồn Skydoor.net)

Chữ kí của hthanhdung

2Kinh  Nghiệm Leo núi - Dã ngoại Empty Phương pháp Thám Du Wed Jan 04, 2012 9:48 am

hthanhdung


Binh Bét
Binh Bét
Phương pháp thám du
Trên con đường du khảo, bạn có dịp đi qua hoặc viếng thăm một vùng dân cư địa phương. Nếu bạn được trang bị một phương pháp khảo sát tốt, bạn sẽ được hiểu địa phương ấy một cách thấu đáo.
Sau đây là những phương pháp để giúp việc khảo sát được dễ dàng.

Chuẩn bị ban đầu:
1. Tiếp xúc lần đầu với cảnh vật:
Cuộc tiếp xúc lần đầu với cảnh vật của một khu vực mới là một việc quan trọng. Tôn trọng sự khám phá sơ bộ, cảnh vật sẽ lên tiếng, chỉ dẫn và giải thích.
a. Đầu tiên, lên ngay địa điểm nào cao nhất như đỉnh đồi, tháp nhà thờ,... để có thể nhìn bao quát được cảnh vật và hình ảnh toàn khu.
Cuộc tiếp xúc khởi đầu này rất lý thú: hãy ghi chép những nét chính mà bạn cảm nhận được như màu sắc, mùi vị, tiếng động, vị trí của con người giữa cảnh vật thiên nhiên này.
Hãy ghi chép ngay vì nó sẽ phai mờ nếu để ít lâu sau.
Những nhận xét ban đầu này có một giá trị đặc biệt vì nó cho ta ý niệm và nhận xét tổng quát rõ rệt và đúng đắn.
b. Kế đó, hãy kê ra những thắc mắc, có thể là những câu hỏi đã được đặt ra từ nhà và những điều mới. Sau đó ta sẽ bắt đầu đặt kế hoạch hoạt động để khảo sát khu vực, đặt sách lược khám phá.
Nếu là một toán, tổ chức một cuộc họp "tham mưu" để định kế hoạch khảo sát.
Những vấn đề đặt ra bởi cuộc quan sát địa phương sơ bộ này sẽ là những chủ đề hành động, và ta sẽ tổ chức những cuộc du ngoạn, những chặng đường thăm viếng để giải quyết những vấn đề ấy.
Không nên đi chơi phiếm.

2. Trạng thái tinh thần của người tham dự:
Những thành viên tham dự phải biết tỏ ra có thiện tâm, ân cần, gần gũi với người địa phương và nói với họ bằng ngôn ngữ đơn sơ, mộc mạc.
Ban đầu việc tiếp xúc có vẻ khó khăn, do những nghi ngại. Phải vượt qua trở lực này. Một vài kế nhỏ: đứng vẽ một phong cảnh sẽ có người đứng nhìn, nhân dịp ấy nói chuyện với họ, giả vờ hỏng lốp xe để nhờ họ giúp một tay rồi đi sang trò chuyện.
Hỏi liên tiếp và chú trọng về các nghề và công việc của địa phương.
Hỏi han tất cả các giai tầng xã hội. Phải biết cách lôi cuốn cho họ nói, ghi chép những danh từ địa phương về nhà ở, đồ dùng,... tiếng lóng của các nghề.
Phải ghi chép nhiều và buổi tối họp để thảo luận về những việc làm và những khám phá trong ngày, lập một bảng những điều chưa biết để tiếp tục khảo sát trong những ngày sau. Lúc nào cũng tỉnh táo, hiếu kỳ.
Ghi chép những gì đã biết tường tận, chắc chắn và những gì cần phải tra cứu lại.
Một việc tốt nữa là buổi tối cùng nhau kiểm điểm lại những tiến bộ của cuộc khảo sát địa phương (có bản đồ tham mưu đặt trước mặt).
Tập thói quen phác họa hay minh họa và chụp ảnh phong cảnh, nhà ở, làng xóm (việc làm này cố gắng đạt được cả hai tính chất mỹ thuật và nghiên cứu).
Luôn lưu ý khái niệm lịch sử: miền này ngày xưa thế nào? Muốn thế phải kiếm những ngôi nhà cổ, những di tích cổ,...
Về sau này làng thay đổi như thế nào?
Hãy tìm hiểu những tiến bộ họ đã đạt được, những trở lực họ vấp phải. Tự xét xem ta có thể tham dự hay can thiệp vào phần nào không? Sự hiểu biết địa phương sẽ dẫn tới lòng trìu mến và gắn bó với địa phương.
Đừng quên rằng cuộc du khảo đẹp nhất là cuộc du khảo tương thân tương ái.
Cũng cần nên khảo sát về sự thực hiện tình thân ái trong địa phương.
Những cơ quan lớn, công hay tư nhân nào đã thực sự giúp ích địa phương.
Tiếp xúc với những cơ quan ấy để xem xét việc làm của họ và tìm hiểu tính chất của những công việc họ làm: một cách lấy lệ, giấy tờ hay có tinh thần phục vụ?
Đi khảo sát địa phương, bạn hãy luôn sẵn sàng là một người bạn, người hướng dẫn. Hãy kể về quê hương mình (mang theo tranh, ảnh) cho người địa phương được biết để tạo sự thông cảm qua lại.
Hãy cùng thông cảm với người dân địa phương, chia sẻ với họ.
Từ đó, ghi chép lấy tinh thần cuộc sống của nhân dân địa phương.
Quan sát, nghiên cứu địa lý nhân văn mang lại cho ta ý niệm về sự liên tục của các thế hệ, của đoàn người nối tiếp nhau qua lịch sử.

Nội dung khảo sát:
1. Thiên nhiên:
Sự tìm hiểu khung cảnh rất quan trọng. Ta không thể nào có một cái nhìn đầy đủ về cuộc sống và đấu tranh của dân miền đó nếu không quan sát kỹ càng cảnh vật trong đó học phải sống.
Những vấn đề cần khảo sát là:
- TÊN: nơi ấy tên gì? Từ thôn đến làng, liên xã, quận. Hãy để ý tên Nôm.
- ĐỊA THẾ: bằng phẳng hay nhấp nhô, có gò, núi xếp thành từng lớp thứ tự hay lộn xộn. Những gò, đồi, núi có bao bọc lấy khu vực hay không, rải rác hay tập trung vào một chỗ. Những chi tiết hình thể đặc biệt tạo nên:
+ Bởi nước: xoáy nước, thác, ghềnh. nước lũ.
+ Bởi gió: núi cát.
Địa phương này thuộc loại hình địa lý nào.
- MẶT ĐẤT: tức là lớp đất phủ ngoài: màu sắc (vàng, đen, xám,...), ẩm ướt hay khô ráo, chắc hay xốp, pha cát hay đá vôi, sỏi, đá, thấm nước hay không.
- ĐỊA CHẤT: thu lượm các thứ cát đất và đá kết thành thổ nhưỡng của khu vực và chú trọng đến tính chất của chúng. Từ bề mặt tới bề sâu. Tìm hiểu các loại phù sa, đất sét, đất đỏ, cát trắng, cát vàng, đá sỏi, đá vôi, đá ong, đá hoa, quặng, mỏ,...
- SÔNG NGÒI: nhiều hay ít, rộng hay hẹp, sâu hay cạn, sự quan trọng của nó đối với nông nghiệp, vận tải, kỹ nghệ, một vài chi tiết về những thời kỳ nước cạn hay nước lớn, mùa mưa có bị lụt không? Mực nước cao nhất và thấp nhất? tháng nào? Tính nết của các con sông: lặng lờ hiền lành hay hung dữ, thủy triều, con nước. Nghiên cứu riêng biệt con sông chính: có đê hay đập không? Đê, đập để cản lụt hay bơm nước. Đi dọc con sông trở lên và trở xuống: ghi những gì mình đã thấy, kể cả các sông nhánh. Dòng sông cuốn theo những loại phù sa, cát sỏi, đất đá gì... Đáy sông đổi hướng như thế nào? Có làng xóm hai bên bờ sông không? Đê điều, bờ sông có trồng nhiều cây để khỏi bị lỡ, vỡ hay không?
Vấn đề cầu cống: nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, mẫu loại (cầu treo, cầu có chân, có tay vịn, xây cong hay thẳng, cầu gỗ, đá,...)
- THỰC VẬT THIÊN NHIÊN: những loại cây lớn nhỏ đặc biệt của địa phương (dương liễu, dừa, tre, các thứ cỏ, bèo, rêu, nấm). Chú ý thảo mộc tại ba nơi: cao, thấp, dưới nước,...
- ĐỘNG VẬT THIÊN NHIÊN: thú, chim, ếch nhái, công trùng,... những thứ có thể săn bắn, bẫy, câu hoặc bắt bằng những phương tiện khác được.
- KHÍ HẬU: các thứ gió (và giông bão) địa phương. Mưa từ phương nào đến? Các thời kỳ mưa và khô ráo, các thứ mưa: mưa phùn, mưa dầm, mưa cơn,... Mực nước mưa từng tháng (nếu được).

2.Tổ chức sinh sống của nhân dân địa phương:
Tiếp đến những vấn đề người địa phương phải giải quyết, những yếu tố của cuộc đấu tranh lớn lao mà họ phải theo đuổi để chống lại hoặc hợp tác với thiên nhiên.
a. Nhà ở:
- Nhà ở được xếp đặt như thế nào? Nơi người ở, nhà bếp, nơi nuôi gia súc, nơi chứa sản phẩm. Là những ngôi nhà tách biệt hay thu vào một ngôi độc nhất. Tả cảnh từng căn, từng ngôi nhà,...
- Mặt chính sơn hay quét màu gì? Quay về hướng nào? Và trình bày như thế nào? Trên mặt chính có mấy cửa lớn, nhỏ, xếp đặt thế nào? Vấn đề không khí, ánh sáng và giao thông giữa những căn của ngôi nhà giải quyết thế nào?
- Tường được xây bằng nguyên liệu gì? Nhà xây có tường cao hay nhà gỗ có cột chống đỡ.
- Thể thức làm mái nhà (xây dựng và xếp đặt mái là đặc điểm để phân biệt các lối kiến trúc). Nhà có chái hay không có chái, chái to hay chái nhỏ, nguyên liệu lợp...
- Vấn đề vệ sinh và cách bài trí trong nhà.
- Vấn đề chống rét và chống nóng bức: Bếp vừa dùng để nấu ăn, vừa dùng để sưởi, nguyên liệu để đốt, vách đất, nhà bát vần...
- Vấn đề nước: suối, bể chứa, hồ ao, sông ngòi. Các kiểu giếng (có cán trục hay bánh xe). Cách thức lấy nước.
- Những nơi phụ thuộc: chuồng gà, heo, vịt... Hàng rào bằng gì? Vườn rau, vườn quả, vườn cảnh, trồng những thứ cây gì? Sân trước, sân phơi: hình dáng, khuôn khổ, trình bày như thế nào?...
b. Đời sống tinh thần và tôn giáo thể hiện trong nhà:
Những điều ghi khắc: trên cửa, vách, cột trong nhà, những ảnh vật kỷ niệm của gia đình, gia tộc đặt ở chỗ nào?
- Bàn thờ đặt chỗ nào? Thờ vị nào? Cách bài trí?
- Tủ sách gia đình ra sao?
c. Dân cư - làng xóm:
- Hình thể xóm làng: trên một dây độc nhất hay nhiều dây, theo hình tròn, hình bàn cờ hay lộn xộn vô trật tự.
- Những địa điểm chính trong làng.
- Nơi lấy nước công cộng.
- Cầu, cống hay chỗ lội sông.
- Bến đò, tàu, xe hơi, xe hỏa.
- Dinh thự lớn và cảnh vật nơi ấy.
- Nhà thờ, đình, chùa, đền, miếu, các kiểu kiến trúc. Chút ít lịch sử hay truyền thuyết về các vị thần thánh.
- Các kiểu xây đắp mộ phần, tổ chức nghĩa địa.
- Nơi hội họp công cộng, công trường.
+ Chợ: kiến trúc, tổ chức, sản phẩm và phẩm vật trao đội, ngày phiên chợ, quán nước, quán ăn, quán trọ.
+ Khả năng thương mại: trao đổi trong miền, trong nước và ngoài nước.
+ Trường học công, tư. Trình độ văn hóa của các tầng lớp dân chúng.
+ Nghề và công xưởng trong làng.
+ Đất công cộng và lợi ích (công điền, công thổ, hợp tác xã...) của làng. Diện tích rừng rú, đồng cỏ, bãi hồ, ao...
+ Thị trấn của khu vực: có phải là thị trấn thiết yếu của miền này không? Tác dụng của nó: thương mại, kỹ nghệ hay chỉ là một thị trường tiêu thụ.
+ Dân số: sinh tử. Dân số tăng hay giảm. Vì sao?
+ Những hạng người nào bị lâm nạn thất nghiệp và những nghề gì bị khủng hoảng hơn cả? Thử tìm lý do.
+ Địa vị, sự phân công của đàn ông, đàn bà trong gia đình.
+ Dân số di cư, trú cư.
+ Mức độ nghèo nàn hay thịnh vượng của miền này.
+ Người ngoại quốc: thuộc quốc tịch nào? Làm nghề gì? Có tín nhiệm của người dân ở đây không?
d. Giao thông:
Hệ thống đường sá: đường lớn, nhỏ, trải nhựa, đá hay đường đất,...
Có những khó khăn gì trong sự giao thông làm cho địa phương bị cô lập nhiều hay ít, ví dụ do các đèo, các khe núi khó đi.
Đường lớn, đường nhỏ xây dựng và lát bằng gì?
Các thứ xe cộ chở người, chở hàng. Hình dáng các thứ xe. Giao thông bằng xe hơi, xe hỏa, ghe thuyền. Các kiểu thuyền bè của địa phương.
e. Những nhân vật tiêu biểu của địa phương:
Cần biết hình dáng, y phục, ngôn ngữ, giọng nói, từ ngữ, tiếng lóng đặc biệt, việc làm, nhu cầu, những mối lo âu và hy vọng, khuynh hướng chính trị của địa phương. (Nhưng thông thường trong một vùng bao giờ cũng có một số hạng người tiêu biểu cho những nghề khác nhau làm cho dân địa phương đó có một sắc thái đặc biệt. Ví dụ: ở Tây Nguyên - đốn gỗ, chăn nuôi, trồng tỉa, thợ đá, dân tộc thiểu số).
Bên cạnh những nhân vật bình dân còn có những nhân vật thượng lưu làm lãnh đạo: nhà sáng lập hợp tác xã, nhà truyền bá những phương pháp mới về nông nghiệp hay kinh tế.
f. Lương thực:
Mỗi mùa có thực phẩm gì sản xuất tại chỗ, thứ gì ở miền khác chở đến.
Miền này có thể tự túc được thực phẩm không?

3. Hoạt động văn hóa xã hội:
Người thám du đến thăm một làng sẽ nhận thấy mức độ gắn bó của nhân dân với những phong tục cổ truyền.
Những giải thích hợp cần được tìm tòi cho từng vấn đề.
Một việc rất quan trọng là phải hiểu được vì sao mà một tục lệ đã biến mất, đã được thay đổi hay vẫn được tồn tại và mến chuộng.
a. Sinh đẻ:
Tục lệ đặc biệt trước ngày sinh, trong lúc sinh (như thông báo với dân bang, họ hàng, thân thuộc).
Tuần cử và lễ giải cử.
b. Nuôi dạy, giáo dục:
Cái nôi (hình dáng), y phục (tên và hình dáng các thứ quần áo), cách bế bồng, nuôi dưỡng.
Các chứng bệnh: bệnh gì, chữa cách nào?
Trường học - Nhà văn hóa - Phong trào rèn luyện thể dục thể thao,...
c. Hôn nhân:
Lễ hỏi. Mối dong. Xem mặt. Lễ cưới.
(Tả cảnh đám cưới trong làng, lúc ra đường, đến nhà gái, ra về, giữa đường, về tới nhà, lễ nghi, y phục, trang hoàng tiệc cưới. Sau ngày cưới).
Đám cưới những người góa vợ, góa chồng, những người đại tang.
Tục tảo hôn còn tồn tại không?
d. Tang ma:
Giờ hấp hối: điềm chết, sửa soạn đám tang, mua sắm vật liệu, y phục.
Báo tang trong làng xóm bằng cách nào.
Giờ khâm liệm: tục lệ, lễ nghi.
Đồ dùng của người chết có bỏ vào áo quan không? Có bỏ tiền, vàng, bạc vào không?
Các bữa ăn, khoản đãi người giúp việc và thăm viếng, cất đám.
Tả cảnh đám ma: ai khiêng quan tài? Yên lặng hay than khóc.
Hạ huyệt, nghi lễ, chọn đất theo phong thủy, khoa học, mỹ thuật.
Những nghi lễ, tục lệ sau ngày chôn cất.
Việc xử lý căn phòng và đồ dùng của người chết.
e. Lễ tiết trong năm:
Tục lệ và nghi lễ về những dịp: Tết Nguyên Đán. Các lễ Tết khác trong năm. Những mê tín dị đoan.
g. Lễ các thánh thần tiên phật:
Tục lệ về những dịp lễ này.
h. Hội hè địa phương:
Các phiên chợ đặc biệt. Các hội hè nông nghiệp. Hội làng hay chung cả miền (suy tôn hay kỷ niệm Thành hoàng. Có khách thập phương tới dự không?)
Vui chơi, múa hát. Các cuộc thi đua trong những kỳ hội: vật, đá gà, đánh cờ người...
i. Chuyện truyền kỳ, ca khúc, vũ khúc, trò chơi, giải trí:
Ghi chép, miêu tả lại những đặc biệt của địa phương. (Của trẻ em lẫn người lớn).
j. Ngôn ngữ:
Ngoài vấn đề thổ âm, thổ ngữ, còn cần khảo sát ca dao, tục ngữ, câu đố, vè,... đặc biệt của địa phương.
k. Y phục:
Những thay đổi trong bộ y phục, những thứ y phục, trang sức đặc biệt.
l. Tôn giáo:
Trong việc thờ phụng, lễ bái công cộng tại địa phương có gì lạ?
m. Lịch sử:
Địa phương qua các thời đại, sáng lập tự bao giờ và bởi ai. danh nhân, di tích,...
n. Hoạt động đoàn thể:
Các tổ chức đoàn thể - hoạt động - ảnh hưởng trong cộng đồng... (của các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Nông hội,...)

4. Sinh hoạt kinh tế:
a. Nông nghiệp: Cây trồng trọt chính, các loại xen canh.
Hình dáng đồng ruộng (từng giải dài, hình vuông, chữ nhật, cánh cung, trên đồi núi), ngăn cách bằng gì (hàng rào, bờ, đường nhỏ).
Phương tiện canh tác (bằng máy móc hay bằng trâu, bò, cày, bừa, mai, cuốc và các thứ nông cụ khác: hình dạng và tên địa phương của các thứ ấy).
Lập văn bản ghi những công việc của các tháng trong năm: tháng nào bận rộn nhất, tháng nào nhà rỗi nhất. Lịch canh tác.
Có phải mướn thêm nhân công ở miền khác không và vào thời kỳ nào?
+ Trồng cây ăn trái: Những thứ cây gì? Trồng ở đâu? Lẫn với vườn rau hay là riêng biệt?
+ Trồng rau: Những thứ gì?
+ Trồng bông: Những thứ gì?
+ Trồng cây kỹ nghệ: Những thứ gì?
Phương pháp làm đất, trồng tỉa, vun bón, gặt hái. Trỉa giống, ra bông và trái, chín và gặt vào thời gian nào?
Phương pháp buộc gói, hay đóng bao kiện để gởi đi bán ở đâu? Có cạnh tranh không? Số thu hoạch và lợi tức.
Chăn nuôi: Gia súc và vật nuôi (lớn, nhỏ) có những thứ nào và chủng nào? (Thí dụ như gia súc để làm việc, ăn thịt, lấy sữa... Nuôi tằm, nuôi cá, nuôi ong).
Phương pháp chăn nuôi, trị bênh tật và tránh thú rừng làm hại như thế nào? Chỗ ở và thức ăn của gia súc. Lợi tức thu hoạch hàng tháng và hàng năm.
Chế độ sản nghiệp: Trực tiếp sinh lợi, cho thuê, cho làm rẽ. Diện tích trung bình của sản nghiệp và của khu khai thác cho một người: thường dân, trại chủ. Ruộng đất phân tán thành nhiều miếng nhỏ hay tụ tập thành khu lớn.
Dẫn thủy nhập điền: bằng cách nào, sông thiên nhiên, suối hay đào. Phương pháp và dụng cụ giữ và thoát nước. Thái độ dân với việc ấy.
Lịch trình nông nghiệp: Những thứ cây, con nào đã có từ thời xưa, những thứ mới nhập vào địa phương, những thứ bị phế bỏ...
b. Tiểu thủ công nghiệp và nghề "lưu động":
Nghề phụ để làm trong những thời gian rỗi rãi, ví du sau vụ cày cấy, hoặc trong mùa lạnh, làm trong nhà.
+ Nghề lưu động: thí dụ mùa lúa chín đi xa làm thợ gặt, thợ mộc, thợ nề, sơn, làm gạch ngói, làm rừng, mỏ, đồn điền,...
+ Nghề tạm bợ: hành khất, du đãng (lưu manh, côn đồ), nhặt rau và trái thiên nhiên, săn bẫy, câu cá, mò tôm, cua, ốc, làm đồ mã,...
+ Nghề bán rong: thời gian đi bán, hàng bán,...
+ Nghề vận tải: xe lớn nhỏ, ghe, đò ngang, đò dọc,...
c. Khai đá và mỏ:
Nguyên liệu, đá gì, muối, than, kim khí. Phương pháp và tổ chức khai thác.
d. Nghề đi rừng:
Loại rừng gì: rừng non, rừng già, thưa, rậm, khu đốn gỗ hay dự trữ gỗ, gỗ gì? Người làm rừng, củi gỗ, làm than. Nguyên liệu khác ngoài gỗ: nấm, măng, vị thuốc,...
Cưa và xẻ gỗ: trại làm gỗ,...
Vận tải gỗ: trâu, voi, xe, bè,...
Những nghề khác, ngoài nghề làm rừng hoặc làm than.
e. Nghề sông nước:
Đánh cá nước ngọt: hồ, ao, sông ngòi.
Đánh cá ven biển hay ngoài khơi.
Bắt sò, nghêu, cua trên bờ biển, bờ sông, hồ,...
Đời sống tiêu biểu của dân chài địa phương, lịch hoạt động của họ.
Cá, tôm sinh sản và ăn theo thời tiết của mùa, tháng và tuần thủy triều: nước cá, nước tôm, nước cua.
Những việc phơi, ướp, nướng, làm nước mắm, mắm, đóng chai, làm đồ hộp.
Các kiểu ghe thuyền, bè mảng và dụng cụ đánh cá: chài lưới, câu, lờ, đó,...
Những thổ sản trên bờ biển: đất sét, muối, cát,... Nuôi trai sò lấy ngọc.
Những nghề khác: đóng ghe, đan lưới, làm muối,...
Bến thuyền, hải cảng lớn nhỏ.
f. Sinh hoạt kỹ nghệ:
Tại địa phương có những kỹ nghệ gì? Kỹ nghệ ngẫu nhiên hay kỹ nghệ có liên hệ với tài nguyên của địa phương.
Nhân công: tuyển mộ ở đâu? Người địa phương, ngoài địa phương hay ngoại quốc.
Nơi cư trú của thợ thuyền.
Tiền công, mức sinh hoạt.
g. Những nghề dịch vụ khác:
Mua bán.
Những dịch vụ đời sống khác, du lịch.

Ngoài ra tùy đặc điểm vùng mà ta có thể thám du các điều kiện sống khác.
(Nguồn internet)

Chữ kí của hthanhdung

3Kinh  Nghiệm Leo núi - Dã ngoại Empty Những Khái Niệm Thám du Wed Jan 04, 2012 9:53 am

hthanhdung


Binh Bét
Binh Bét
Những khái niệm cơ bản về thám du
Định nghĩa:
Thám du là đi sâu vào thiên nhiên, tìm những cái mới là, nó là một hoạt động tuyệt hảo, có đẳng cấp cao nhất của kỹ năng hoạt động dã ngoại thanh thiếu niên trong thời điểm hiện nay.
Muốn thám du tốt, ta phải thông suốt và ứng dụng thuần thục mọi kỹ năng để sống một cách đàng hoàng giữa thiên nhiên như:
- Nấu ăn, nghề rừng, đoán thời tiết.
- Dựng lều, cất chòi, nút dây, tiện nghi trại.
- Cấp cứu.
- Ước đạc, truyền tin liên lạc, quan sát dấu vết.
- Biết cách sử dụng các loại bản đồ.
- Biết tìm phương hướng.
Các bạn cần biết rõ các kỹ năng đó để khi đi thám du biết tự lo liệu lấy cho mình. Các đội nhóm tham gia thám du cần tuân thủ những quy định say đây:
- Đi bộ một mình hay với một vài người khác, trong vòng 24 giờ phải đi ít nhất là 20km và tự cắm trại, nấu ăn lấy.
- Trong khi đi, phải vẽ lộ trình đầy đủ và đúng đắn theo chỉ thị mà Ban Tổ Chức đã cho.
- Sau khi về, kỳ hạn một tuần, phải nộp lại một báo cáo gồm có:
+ Lược đồ con đường.
+ Nhật ký thám du, cùng những điều đã thấy, đã làm dọc đường, những hình ảnh và ký họa, số liệu phải cụ thể.
* Lưu ý:
Phải nộp tất cả giấy nháp thật sự chứ không phải bản sao sạch sẽ mà thôi.
Tùy theo chỉ thị, phải chú ý tới địa thế, dân cư, động thực vật, di tích,...
Về Nhật ký Thám du: đấy là một nhật ký được ghi chép hàng giờ (không cần phải trình bày như một tác phẩm nghệ thuật) mà phải ghi rõ ràng, dễ hiểu, kèm những hình ảnh tốc họa (không cần phải thật giống, thật đẹp, vì chúng ta không phải là họa sĩ).
Lộ trình thám du được Ban Tổ Chức ấn định kèm theo lời dặn hay chỉ thị cụ thể.
Trong lúc thám du, y phục phải gọn ghẽ, nét mặt vui tươi, lễ phép, sẵn sàng làm việc tốt, cho dù là việc nhỏ. Một kỳ thám du mà thiếu việc tốt thì đó là một kỳ thám du thiếu sót.

Tờ trình thám du:
Hãy nhớ Sau khi thám du về, trong vòng một tuần, phải nộp tất cả các phúc trình, báo cáo, tranh vẽ, hình chụp, tiêu bản... (kể cả giấy nháp) và nhật ký thám du.
Khi làm tờ trình thám du, các bạn hãy lưu ý đến những yêu cầu sau:
- Mục đích cuộc thám du: (theo chỉ thị của Ban Tổ Chức)
- Khu vực thám du: (ấp, xã, huyện, tỉnh,...) địa danh, tục danh.
- Thời gian thám du: (kể từ ... giờ ... ngày ... đến ... giờ ... ngày ...)
- Thành phần tham dự: (họ tên, đẳng cấp, chức vụ, Hội, Đoàn,...) số người tham dự.
- Hình ảnh: sơ đồ trực chiếu Gilwell, sơ đồ địa hình, họa đồ toàn cảnh (nếu có), hình chụp, hình vẽ (có thuyết minh...)
- Tiêu bản: các tiêu bản động vật, thực vật, côn trùng... mà ta thu thập được trong khu vực thám du.

Nhật ký Thám du:
- Quan sát trong cuộc thám du: Hãy thuật lại cuộc mạo hiểm của mình không phải như một học sinh làm bài luận, những như một kẻ đi rừng thật sự, một quan sát viên cẩn thận.
- Nói về thời tiết và trời mây, ta có ghi chép những điều quan sát và dự đoán về thời tiết từ hôm trước không? Hãy kể lại tất cả, không cần các câu dài những gì xảy ra và cả những tiên đoán của ta (đúng, sai)
- Quan sát các loại mây và gió. Mặt trời và các vì sao. Cho biết các hiện tượng này đã dạy cho ta những gì?
- Lều trại: cơm nước, nấu ăn, làm bếp thế nào?
- Dân cư: (sinh hoạt, văn hóa, kinh tế, phong tục, tinh thần,...) tình cảm của họ đối với tổ chức Đoàn – Hội, đối với du khách...
- Động thực vật: Mô tả, minh họa, chụp hình, làm tiêu bản, liệt kê,...
- Địa thế: Sông, suối, núi rừng, đất cát, độ phì nhiêu, độ dốc, vực sâu,...
- Công trình xây dựng: đình chùa, nhà thờ, cầu cống, đập nước, mương máng, trường học, tụ điểm,...
- Di tích, vết tích: tìm hiểu nguồn gốc, tài liệu... (chụp hình, minh họa)
- Đường đi: khoảng cách, độ dài, loại đường, tình trạng sử dụng,...
- Việc thiện: những điều tốt chúng ta đã làm trong cuộc thám du.
Những điều trên, không phải chúng ta mô tả một cách khô khan, cứng nhắc,... Chúng ta nên thêm vào đó một chút bay bổng của thi sĩ, một chút màu sắc của họa sĩ, một chút tưởng tượng của văn sĩ,...
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta hư cấu, dựng chuyện... Nhưng nếu đêm ta ngủ dưới lều, nghe tiếng chó sủa văng vẳng, rời rạc hay dồn dập, ta thử đoán xem chuyện gì. Tiếng côn trùng rả rích, tiếng cú rúc đêm, tiếng thú rừng gọi bạn... cũng đưa ta đến những kỷ niệm hay hình ảnh nào đó...
- Khi mô tả những gian lao nguy hiểm, những khó khăn mà ta phải vượt qua - ta viết sao cho sinh động.
- Cuối cùng là những nhận xét, kinh nghiệm, bài học mà chúng ta đã rút ra được trong cuộc thám du.
Nếu đi thám du mà không có tờ trình thám du hoặc phúc trình không đầy đủ thì đó chỉ là một buổi "Picnic" mà thôi.
(Nguồn internet)

Chữ kí của hthanhdung

Sponsored content



Chữ kí của Sponsored content

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

Skin Dark Switcter by Juskteez. Copyright © 2012. Switcter 4r
 
  • Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất

  • © FM - RIP . Edit By vovanan